Các tác phẩm tử vi sau Tử vi đẩu số toàn thư Tử vi đẩu số

Trên đường nghiên cứu, chúng tôi tìm được một số thư tịch rải rác sau đây, biên tập sơ lược về khoa này. Tôn trọng đúng nguyên tắc sử gia Đông phương, những gì nghi ngờ thì để nguyên, mà cổ nhân gọi là nghi dĩ truyền nghi. Sau Tử vi đẩu số toàn thư của Hi Di Trần Đoàn có các tác phẩm

1. Tử-vi chính nghĩa
Bộ này do Hy Di tiên sinh truyền cho Tống thái-tổ là Triệu Khuông Dẫn. Bản chúng tôi có là bản chép tay của Hoa-yên tự. Bản này được tàng trữ tại Quốc sử quán triều Nguyên, năm 1955 trong một cuộc chính biến lật đổ Quốc trưởng Bảo-Đại chúng tôi sưu tầm được.

2. Triệu Thị Minh Thuyết Tử-vi kinhChúng tôi có hai bản. Bản chép tay gia truyền, cũng chép từ chính bản của Hoa-yên tự.Một bản nữa của Cẩm-chướng thư cục Thượng-Hải ấn hành năm 1921. Hai bản không khác nhau là bao. Bởi gốc của bộ sách này là bộ Tử-vi chính nghĩa. Sau khi được Hy Di tiên sinh truyền cho, Triệu Khuông Dẫn và con cháu nhà Tống nghiên cứu rộng ra mới đặt cho một tên mới là Triệu Thị Minh Thuyết Tử-vi kinh. Có nghĩa là họ Triệu giảng giải rõ ràng về bộ Tử-vi kinh. Bộ này được Hoàng Bính truyền sang Việt Nam vào niên hiệu Nguyên phong thứ 7 đời vua Trần Thái Tông (1257), Hoa-yên tự chép lại và lưu truyền tới nay.

3. Đông-a di sự
Bộ này không phải là bộ sách nghiên cứu về Tử-vi, mà là bộ sách chép các học thuật đời Trần, trong đó có phần chép về Tử-vi. Bộ sách do ba người liên tiếp chép, đó là Huệ Túc phu nhân vợ của Trần Thái Tông; Đoàn Nhữ Hài, một vị Tể tướng đời Trần, học trò của Huệ Túc; Trần Nguyên Đán, một vị bác học cuối đời Trần.Bản chúng tôi có là bản do Trần Nguyên Đán khắc bản mộc năm 1388.

4.Tử-vi đại toàn
Bộ này do các văn thần nhà Thanh nghiên cứu, tổng hợp hết các sách cổ kim về Tử-vi, chép lại. Đây không phải là bộ biên tập, nghiên cứu mà chỉ là bộ sao chép lại mà thôi. Bản chúng tôi có là bản sao, đề rằng do Cẩm-Chướng thư cục Thượng-hải xuất bản năm 1921.

5.- Tử-vi đẩu số toàn thư
Do La Hồng Tiên biên soạn rất giản lược, nhưng giống bộ Tử-vi chính nghĩa. Có thể nói đây là bộ Tử-vi chính nghĩa yếu lược. Bộ này do Cẩm Chướng thư cục xuất bản năm 1921 tại Thượng-hải. Sau này ông Vũ Tài Lục có dịch nhưng dịch một phần rất ngắn, và không chú giải. La Hồng Tiên sống vào đời Minh.

Trên đây là 5 bộ Tử-vi được coi là chính thư hay do chính phái biên tập. Ngoài ra còn một vài bộ dưới đây bị coi là tạp thư, tá phái nhưng chúng tôi vẫn nghiên cứu đầy đủ.

6. Tử-vi Âm-dương chính nghĩa

Bộ này do Lã Ngọc Thiềm và các tử-vi gia thuộc Bắc phái biên tập, nên thường thêm chữ Bắc-tông để phân biệt với Nam-tông. Bản chúng tôi có là bản chép tay.

7.- Tử-vi Âm-dương chính nghĩa
Do Ma-y biên soạn vào đời Tống, sau được các Tử-vi gia thuộc Nam-phái bổ túc sửa đổi, nên thường thêm chữ Nam-tông để phân biệt với Bắc-tông. Bộ này khắc bản in vào đời Thanh triều Khang-Hy, nhưng không ghi rõ năm nào.

8. Tử-vi thiển thuyết
Bộ tổng luận về Tử-vi do Lưu Bá Ôn, một đại thần khai quốc nhà Minh biên soạn. Bản chuúng tôi có là bản khắc in vào đời Thanh triều Khang Hy, nhưng không ghi rõ năm nào.

9. Lịch số tử-vi toàn thư
Bộ này do Hứa Quang Hy đời Minh biên soạn. Bản chúng tôi có là bản chép tay. Ngoài ra chúng tôi sưu tầm được khoảng trên hai mươi bộ sách khác, nhưng tựu trung mô phỏng các bộ sách trên đây cả nên không bàn tới.